Cũng như nhiều nước trên thế giới, quá trình phát triển giáo dục Nhật Bản gắn liền với quá trình phát triển của chế độ chính trị, nền kinh tế và đời sống văn hóa-xã hội. Từ một xã hội phong kiến tập quyền khép kín, kinh tế tiểu nông, công nghệ lạc hậu, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn…, Nhật Bản đã mở cửa ra thế giới bên ngoài với những quyết sách cải cách mạnh mẽ của Minh trị Thiên hoàng (1872-1912) trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội.
1. Triết lý giáo dục
Cũng như nhiều nước trên thế giới, quá trình phát triển giáo dục Nhật Bản gắn liền với quá trình phát triển của chế độ chính trị, nền kinh tế và đời sống văn hóa-xã hội. Từ một xã hội phong kiến tập quyền khép kín, kinh tế tiểu nông, công nghệ lạc hậu, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn…, Nhật Bản đã mở cửa ra thế giới bên ngoài với những quyết sách cải cách mạnh mẽ của Minh trị Thiên hoàng (1872-1912) trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Với tư tưởng ‘‘Tinh thần Nhật Bản- Công nghệ phương Tây”, tiếp thu các giá trị văn minh của nhân loại, đất nước Nhật Bản đã tạo ra những biến đổi sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục, với chính sách ‘Không để một trẻ em nào trong gia đình và không để một gia đình nào trong cộng đồng không được giáo dục”. Giáo dục hướng đến sự bảo đảm phát triển hài hòa của trẻ em về mọi mặt từ trái tim, trí tuệ, tình cảm, tinh thần, thái độ, hệ thống giá trị, nhân văn.v.v.. và trở thành triết lý giáo dục cơ bản( kokoro) của nước Nhật
2. Chính sách phổ cập giáo dục
Cùng với việc thành lập Bộ Giáo dục (1871), nhà nước Nhật bản đã sớm có chính sách phát triển hệ thống giáo dục tiểu học bắt buộc và bình đẳng đối với tất cả trẻ em bắt đầu từ 6 tuổi, không phân biệt nam-nữ, tôn giáo, thành phần xã hội…Chính sách giáo dục bắt buộc cũng được thực thi và điều chỉnh theo từ giai đoạn thích hợp. Số năm học bắt buộc được nâng dần từ 3-4 năm (1886) lên 6 năm vào năm 1908. Tỷ lệ nhập học bậc tiểu học đã đạt 99% vào năm 1899. Giáo dục bắt buộc và miễn phí 9 năm ( hết trung học cơ sở) được thực hiện từ 1947 với việc ban hành Luật cơ bản về Giáo dục và Luật giáo dục nhà trường. Chính nhờ chính sách này mà ngay từ đầu thế kỷ 20 nước Nhật đã sớm thực hiện thành công phổ cập tiểu học bắt buộc cho trẻ em trong độ tuổi- một thành tựu giáo dục cơ bản mà ở thời đó chưa nhiều nước thực hiện được.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai (8/1945), nền giáo dục Nhật bản thực hiện cải cách giáo dục lần thứ 2 theo mô hình Mỹ với hệ thống giáo dục 6-3-3-4. Chính sách giáo dục bắt buộc, miễn phí và bình đẳng được tiếp tục thực hiện ở giáo dục cơ bản 9 năm (tiểu học và trung học cơ sở). Chính sách này tạo cơ sở cho Nhật bản sớm thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào những năm 50 và phổ cập trung học phổ thông vào những năm 70 của thế kỷ 20. Với chính sách tất cả giáo viên các cấp phải được đào tạo ở các trường cao đẳng/đại học và phát triển hệ thống đào tạo sư phạm ‘mở’, không khép kín việc đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm, đội ngũ giáo viên Nhật bản dần dần được phát triển ở trình độ cao, đa dạng với nhiều loại hình giáo viên ở các cấp có trình độ cao đẳng/đại học. Việc quản lý phát triển, nâng cao trình độ chuyên nghiệp của đội ngũ giáo viên được thực hiện hàng năm thông qua hệ thống đào tạo và cấp chứng chỉ giáo viên (teacher certificate) với các bậc trình độ nghề nghiệp khác nhau
Hiện nay, Nhật bản đã bước vào giai đoạn đại chúng hóa giáo dục đại học với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học bậc cao vào các trường cao đẳng/đại học khoảng 60% (2007). Sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế và những kết quả tốt của học sinh Nhật bản trong các kỳ đánh giá của khối OECD về chất lượng giáo dục (PISA) đã phần nào cho thấy tính đúng đắn và hiệu quả của các chính sách phát triển giáo dục của Nhật bản trong nhiều thập kỷ qua. Trong nhiều năm qua, hệ thống giáo dục kỹ thuật-nghề nghiệp được đầu tư phát triển với nhiều loại hình đào tạo đa dạng đặc biệt là sự hình thành và phát triển các loại hình trung học kỹ thuật (technical high school) ; Cao đẳng công nghệ 5 năm (College of technology) và các cơ sở đào tạo ở các công ty, doanh nghiệp .. Các loại hình trường này đã góp phần tích cực giải quyết vấn đề phân luồng sau trung học cơ sở và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Nhật bản từ những năm 60 của thế kỷ 20.
Để chuẩn bị bước vào thế kỷ 21, ngay từ 1984 Nhật bản đã tiến hành cải cách giáo dục lần thứ 3 với tư tưởng chủ đạo là hình thành hệ thống giáo dục suốt đời (life-long learning), xây dựng xã hội học tập, chuẩn bị một thế hệ trẻ phát triển toàn diện, năng động, tự chủ, sáng tạo, đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội hiện đại Nhật Bản trong nền kinh tế tri thức với quá trình toàn cầu hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trong trường quốc tế. Các chương trình giáo dục đặc biệt là chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng lại với xu hướng đa dạng hóa, tăng cường vai trò và trách nhiệm của nhà trường, giáo viên trong phát triển và thực hiện chương trình giáo dục phù hợp với đặc điểm các vùng, miền và từng nhà trường; giảm thời gian lên lớp và các môn bắt buộc; tăng thời lượng và các nội dung tự chọn; chú trọng giáo dục các chủ đề tích hợp và cập nhật đời sống xã hội phù hợp với các cấp, bậc học.v.v. Đây cũng là một trong các nguyên nhân mà Nhật bản đạt được các kết quả cao trong các kỳ đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế (PISA) từ các năm 2000, 2003 và năm 2006 gần đây.
Một trong những đặc điểm lớn trong quá trình phát triển giáo dục ở Nhật bản là các chính sách phát triển giáo dục được nghiên cứu chuẩn bị kỹ thông qua các hội đồng, ủy ban tư vấn cấp cao và được thể chế hóa bằng các đạo luật, hệ thống các văn bản pháp quy về quản lý giáo dục. Ngoài các điều khoản cơ bản liên quan đến giáo dục đã được ghi trong Hiến pháp, hàng loạt các đạo luật chi tiết cũng đã được ban hành để tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục và hệ thống giáo dục .
3. Quản lý giáo dục
Trên cơ sở liên tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhật bản thực hiện nhất quán chính sách phi tập trung hóa và tăng cường phân quyền trong quản lý giáo dục các cấp. Bộ Giáo dục Nhật bản tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục trong hoạch định chính sách, xây dựng thể chế, ban hành các chuẩn mực giáo dục và thanh, kiểm tra. Chính quyền và các cơ quan quản lý giáo dục địa phương (Prefectural Board of Education), các cơ sở giáo dục có trách nhiệm và quyền hạn rất lớn trong quá trình quản lý và thực thi các hoạt động giáo dục trong phạm vị quản lý